Ý đồ thực sự của Google khi tự làm chip xử lý cho Pixel

01/08/2021 | 01:38 GMT+7 421


Như vậy Google đã chính thức vén màn con chip xử lý mà họ tự thiết kế dành cho Pixel 6 có tên gọi Tensor. Đây là thành quả mà Google có được sau nhiều năm nỗ lực phát triển. Họ chính thức gia nhập Apple và Samsung khi tự thiết kế chip bởi chip từ hãng khác đã không thể đáp ứng được những công nghệ phần mềm rất tiên tiến mà họ yêu cầu.

Giám đốc phần cứng Rick Osterloh của Google chia sẻ họ đã bắt tay vào phát triển chip riêng từ 4 năm trước cùng với các chuyên gia về AI và máy học (ML). Osterloh nhận thấy vấn đề luôn nằm ở giới hạn phần cứng, chúng không thể đáp ứng được những mô hình AI phức tạp mà Google tập trung phát triển.

Cái tên Tensor thực ra đã được sử dụng từ năm 2016 cho chip xử lý Tensor Processing Unit và nền tảng máy học TensorFlow rất nổi tiếng của Google. Google muốn lấy tên này cho chip xử lý di động đầu tiên và để TensorFlow hoạt động thực sự hiệu quả trên thiết bị di động. Google cho biết sẽ chỉ những smartphone cao cấp mới sử dụng chip Tensor, trong khi Pixel có chữ ‘a’ trong tên gọi (sắp tới là Pixel 5a) vẫn sẽ dùng chip Qualcomm.

Như vậy đã rõ mục đích của Google khi tạo ra Tensor, họ tập trung vào máy học và AI để cải thiện các chức năng, tính năng của điện thoại, thay vì cải thiện hiệu năng đơn thuần. Nói cách khác, anh em kỳ vọng chip tùy biến trên Pixel sẽ giúp máy chạy mượt hơn, mở app nhanh hơn, chơi game tốt hơn thì chưa chắc. Nhưng chắc chắn một điều, khả năng chụp ảnh sẽ tiếp tục được nâng lên một tầm cao mới.

Từ khi Pixel ra đời, Google luôn tập trung vào các mô hình AI và máy học rất mạnh mẽ để tăng trải nghiệm chụp hình, hay còn gọi là nhiếp ảnh điện toán. Không chỉ khả năng chụp hình, máy học và AI còn giúp điện thoại của Google nhận dạng âm thanh, video, văn bản… một cách thông minh. Nhờ con chip Tensor tùy biến, Google giờ đây có thể tối ưu hơn giữa phần cứng và phần mềm, nó sẽ đủ mạnh để đáp ứng các mô hình AI, máy học tiên tiến mà không phải dựa vào máy chủ từ xa.

Trong một ví dụ của mình, Osterloh mô phỏng việc chụp chuyển động trong nhà (một đứa trẻ vẫy tay). Điện thoại được sử dụng là Pixel 6 Pro nhưng với AI và ML tắt đi, ảnh chụp khi đó sẽ bị mờ ở những chi tiết chuyển động. Sau đó cả AI và ML được bật lên thì khuôn mặt đứa trẻ không bị mờ nữa. Để làm được điều này, Pixel dùng cảm biến chính để chụp ở tốc độ bình thường, cùng lúc đó cảm biến siêu rộng sẽ chụp ở tốc độ nhanh hơn. Khi hai hình ảnh được ghép lại, chúng ta sẽ có được chi tiết nét hơn và màu sắc, độ nhiễu tự nhiên.

5574284_Google_pixel6.jpg

Nhiệm vụ của chip xử lý Tensor sẽ là điều chỉnh các chi tiết chuyển động, độ rung khi cầm trên tay, nhận diện khuôn mặt chủ thể để chắc chắn là nằm trong khoảng lấy nét. Sẽ có hàng loạt mô hình máy học được kích hoạt thời gian thực và xử lý các hình ảnh thu được từ các cảm biến cùng lúc. Tensor sẽ biết khi nào cần chụp với nhiều cảm biến cùng lúc và khi nào không, tất cả dựa vào các tình huống thực tế.

Một tính năng khác hứa hẹn sẽ tốt hơn nhờ chip Tensor là khả năng quay video. Pixel luôn được đánh giá rất cao về khả năng chụp hình nhưng video thì chỉ ở mức trung bình. Lý giải cho điều này, Osterloh nói sẽ rất khó để chạy nhiều thuật toán, mô hình máy học cùng lúc khi quay video vì nó cần một khả năng xử lý khổng lồ. Nhưng với Tensor, điều này được giải quyết. Nói dễ hiểu thì trước đây AI và ML được áp dụng xuất sắc cho chụp hình như nào thì giờ đây sẽ là như vậy cho video.

Hai khả năng khác của Tensor được Osterloh demo là phiên dịch trực tiếp và viết bằng giọng nói với Gboard. Khả năng phiên dịch trực tiếp trong các đoạn video là rất nhanh và tức thì trong khi tiêu thụ ít pin hơn so với Pixel 5.

Tóm lại, với con chip tự thiết kế, Google tập trung sức mạnh cho xử lý AI và ML, điều mà chip của Qualcomm không đáp ứng tốt bằng. Google chưa công bố chi tiết từng nhân xử lý cũng như benchmark để thấy được hiệu năng của chip mới nên cái này chúng ta sẽ bàn sau. Ngoài ra, chip tùy biến còn cho phép Google đưa ra các bản cập nhật phần mềm nhanh hơn và lâu dài hơn là con số 3 năm như hiện tại.

Tham khảo: WiredAndroid Authority

Các bài viết khác