06/02/2022 | 20:34 GMT+7 555
Công ty mạng xã hội hàng đầu thế giới tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng khi ngày một nhiều người dùng hưởng ứng làn sóng xóa Facebook. Ngay lúc này, hashtag #DeleteFacebook đang được chia sẻ tràn lan trên Twitter.
Tin dữ chồng tin dữ. Tuần trước, Meta - công ty mẹ sở hữu nền tảng Facebook, Instagram và WhatsApp - công bố trong báo cáo tài chính rằng Facebook đã lần đầu tiên đánh mất người dùng kể từ khi thành lập.
Trong ba tháng cuối năm 2021, lượng người dùng rời nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới lên tới nửa triệu. Hiện tượng diễn ra chủ yếu tại Châu Phi, Châu Mỹ La-tinh và Ấn Độ, và cũng là lần đầu tiên xảy ra trong 18 năm Facebook tồn tại.
Báo cáo u ám ngay lập tức khiến giá cổ phiếu Meta giảm 26%, tương đương 230 tỷ USD giá trị thị trường của công ty công nghệ. Theo Bloomberg dự đoán, khối tài sản của CEO Mark Zuckerberg sẽ giảm khoảng 24 tỷ USD, đe dọa vị trí người giàu thứ 13 thế giới của vị tỷ phú trẻ.
Xu hướng xóa Facebook sẽ lập tức ảnh hưởng tới Instagram và WhatsApp.
Meta nhận định công ty đã bị ảnh hưởng bởi các dự báo bất lợi về tình hình lạm phát, bên cạnh đó là tác động từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Hầu bao của các công ty quảng cáo không còn dư dả như trước, khiến báo cáo tài chính của Meta không được đẹp và làm các nhà đầu tư hoang mang.
“Người dùng đang có rất nhiều cách sử dụng thời gian, và những ứng dụng như TikTok đang phát triển rất nhanh”, CEO Zuckerberg trả lời phỏng vấn AFP News.
Trong khi Facebook gặp rắc rối, TikTok nổi lên nhưng một hiện tượng toàn cầu, thu hút hàng tỷ người dùng.
Tình thế không được cải thiện nhiều kể từ khi Facebook vướng vào vụ bê bối làm lộ thông tin người dùng, sự kiện đã làm rúng động cộng đồng hồi 2018. Từ đó tới nay, người dùng liên tục đả kích Facebook, nhận định tập đoàn lớn không nhanh nhạy trong xử lý thông tin sai sự thật. Facebook chậm chạp trong cập nhật chính sách cũng như xử lý sai phạm xuất hiện ngày một nhiều.
Từ đây, người dùng đi đến kết luận Facebook không còn phù hợp với cộng đồng, nhất là khi xét tới tác động của mạng xã hội tới thế hệ trẻ.
Trên mạng xã hội Twitter, người dùng liên tục đăng tải bài viết với nội dung đả kích Facebook, đồng thời sử dụng hashtag #DeleteFacebook như lời tuyên bố sẽ rời xa nền tảng mạng xã hội đầu ngành. Người dùng chia sẻ cho nhau các vô hiệu hóa tài khoản, gợi lại những scandal trong quá khứ, lên án hướng đi của công ty hiện tại cũng như nêu quan điểm cá nhân về cách Mark Zuckerberg điều hành hệ thống.
Đại đa số người dùng đều có chung nhận định, không muốn sử dụng một nền tảng có khả năng thao túng dòng thời sự, toàn quyền quyết định việc người dùng sẽ được xem nội dung gì. Bên cạnh nạn tin giả nhức nhối, người dùng Facebook còn phải đối mặt với hàng loạt những phát ngôn thù địch không được kiểm soát.
Một trong những phương án được Facebook dùng để chặn nạn tin giả, đó là sử dụng những cá nhân kiểm tra mức độ đáng tin cậy của thông tin. Tuy nhiên, phương pháp chưa để lại ấn tượng tốt với người dùng.
Báo cáo tài chính nặng mùi thất bát của Meta khiến cộng đồng mạng hả hê, tiếp tục xát muối vào vết thương bằng hashtag #DeleteFacebook đã đang tràn ngập mạng xã hội.
Sự việc tiếp tục nghiêm trọng hơn khi Mark Zuckerberg đối đầu với Liên minh Châu Âu (EU), đe dọa sẽ rút Facebook và Instagram ra khỏi Lục Địa Già. Đại diện EU lập tức đáp trả kịch liệt: “Cuộc sống sẽ tốt hơn nhiều khi không có Facebook".
CEO Mark Zuckerberg có vẻ đã đánh giá quá cao tầm ảnh hưởng của Facebook ở thời điểm hiện tại. Việc lần đầu tiên mất người dùng trong 18 năm hoạt động là lời cảnh tỉnh tới Meta và những dự án tương lai.
Nếu không có người dùng, nền tảng mạng xã hội sẽ mất đi tính đa dạng của một xã hội thực thụ, và chỉ còn những lời lẽ cực đoan vang vọng từ miệng lưỡi của những kẻ độc đoán.
Nguồn: genk.vn