07/07/2021 | 18:15 GMT+7 502
Không thể phủ nhận rằng mỗi bên có những lợi thế của riêng mình. Không ai kém cạnh ai. Với Android, những khía cạnh vượt trội hơn iPhone có thể kể đến khả năng tùy chỉnh, xử lý thông báo cũng như cách tiếp cận thiết kế và trải nghiệm táo bạo hơn. Trong khi đó, thế mạnh của Apple lại nằm ở 3 yếu tố chính: hỗ trợ phần mềm, sức mạnh xử lý thô, và dĩ nhiên là "hệ sinh thái".
"Sao chép" chính là cách để chúng ta có được trải nghiệm phần mềm tuyệt vời trên cả iOS lẫn Android. Hai hệ điều hành này liên tục vay mượn các tính năng của nhau và điều đó thực sự tuyệt vời. Chắc chắn, chẳng ai muốn quay lại thời điểm sơ khai của IOS, hay giao diện TouchWiz dựa trên nền tảng Android cũ của Samsung.
Điều tương tự cũng diễn ra trong khía cạnh sức mạnh CPU và GPU. Nếu không có sự cạnh tranh giữa Qualcomm, Exynos, Kirin và dòng SoC A-series của Apple, thị trường sẽ bị một công ty thống trị hoàn toàn. Và với thị trường PC, nếu AMD không vươn lên, có lẽ Intel và NVIDIA vẫn đang ung dung dậm chân tại chỗ với vị thế dẫn đầu của mình. Điều này không bao giờ tốt cho sự tiến bộ, đổi mới và tiến lên phía trước.
Bỏ qua những điều kia, bài viết này sẽ chủ yếu tập trung vào khía cạnh "hỗ trợ phần mềm và bộ xử lý".
Hỗ trợ phần mềm trên Android: Thu hẹp khoảng cách lớn
Những thiết bị flagship Android rất tuyệt vời. Dẫu có khá nhiều thiếu sót, vẫn có vô số người dành tình cảm cho chúng. Nhưng có một điểm yếu đối với chúng: cập nhật phần mềm. Ngoại trừ dòng Google Pixel, hầu hết smartphone flagship đều mất nhiều tháng để nhận được bản cập nhật Android mới nhất sau khi Google công bố chúng. Thậm chí, thời hạn được cập nhật của thiết bị cũng bị giới hạn trong một vài năm, trái ngược so với nhiều năm hỗ trợ của Apple đối với các thiết bị của mình.
Và có vẻ như Samsung đã có kế hoạch thay đổi điều này. Nhiều thông tin xác nhận, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc sẽ bắt đầu hỗ trợ cập nhật phần mềm và bảo mật trong khoảng 3 – 4 năm đối với những thiết bị hiện tại và tương lai. Con số này ngang bằng với các thiết bị Pixel của Google, vốn hứa hẹn mang đến ít nhất 3 năm cập nhật phiênbản Android và cập nhật bảo mật. Trên thực tế, lời hứa của Samsung còn vượt mặt Google khi xét đến các bản cập nhật bảo mật.
Mới đây, OnePlus cũng đã nhảy vào cuộc chơi này khi hứa hẹn 3 năm cập nhật phần mềm và 4 năm cập nhật bảo mật cho các thiết bị flagship. Dĩ nhiên, những con số này không thể ngang hàng với việc hỗ trợ phần mềm ít nhất 5 năm của Apple đối với iPhone, với các bản cập nhật bảo mật có thể được đưa đến những thiết bị 7-8 năm tuổi. Thế nhưng, đó vẫn là một bước giúp Android tiến gần hơn đến iPhone về vấn đề cập nhật.
Điều này chắc chắn không thay đổi một thực tế: một số thiết bị cụ thể (thường là các phiên bản nhà mạng) có thể mất nhiều thời gian hơn đáng kể để được cập nhật so với những phiên bản đã mở khóa. Hơn nữa, ở đây, chúng ta chỉ có 2 thương hiệu hứa hẹn sẽ cập nhật phần mềm lâu dài hơn.
Đối với phần còn lại của thế giới Androdi thì sao? Hiện tại, hầu hết chúng đều tuân theo chính sách 2 năm cập nhật phần mềm thông thường và 3 năm cập nhật bảo mật. Đó là chưa kể đến những chiếc điện thoại không phải flagship. Chúng thậm chí còn chẳng được thời hạn cập nhật như thế, trong khi các thiết bị giá rẻ của Apple, như iPhone SE (2020), sẽ được cập nhật kịp thời cho đến ít nhất năm 2025.
Nhìn chung, khoảng cách này đang ngày càng thu hẹp lại, nhưng khó có thể biến mất. Tuy nhiên, nỗ lực của Samsung và OnePlus là rất dáng khen ngợi. Các nghiên cứu cho thấy hầu hết mọi người đều có khả năng mua một chiếc điện thoại mới trong khoảng 3 năm kể từ khi họ mua chiếc điện thoại hiện tại. Do đó, có vẻ như các nhà sản xuất Android đang cố gắng tuân thủ quy tắc đó.
Samsung và AMD ra tay giải cứu Android: Bước nhảy vọt hay sự dẫn đầu tạm thời?
Mối quan hệ hợp tác giữa Samsung và AMD/NVIDIA đã được đồn đoán trong một thời gian dài nhưng chưa bao giờ trở thành hiện thực. Nhưng giờ đây, cuối cùng thì "sản phẩm flagship tiếp theo" của Samsung sẽ có dấu ấn của AMD. Đáng tiếc rằng, nó sẽ không xuất hiện trên mẫu flagship gập sắp tới của Samsung, Galaxy Z Fold 3, thay vào đó sẽ là thế hệ kế nhiệm Galaxy S21 năm nay, có thể có tên là Galaxy S22.
Thông tin này được tiết lộ trong sự kiện trình làng Exynos 2100 của Samsung diễn ra vào tháng 1 và nó đã trở thành chủ đề thảo luận nóng bỏng. Điều quan trọng cần lưu ý: Samsung xác nhận GPU của AMD sẽ xuất hiện trên "bộ xử lý flagship tiếp theo" do công ty sản xuất, không phải sản phẩm flagship tiếp theo, dù đó là điện thoại, tablet hay laptop.
Có tin đồn cho biết rằng Vivo đang đàm phán với Samsung nhằm đưa một trong những bộ xử lý có đồ họa AMD của công ty cho điện thoại Vivo trong tương lai. Điều đó không có gì quá ngạc nhiên. Các nhà sản xuất như Vivo và Motorola đã sử dụng những con chip Exynos trong một số thiết bị của mình.
Thú vị hơn, gần đây, chúng ta đã thấy các điểm số benchmark rò rỉ của Exynos 2200 mới được trang bị đồ họa RDNA 2 của AMD. Các con số này cho thấy hiệu năng thô đã được cải thiện đáng kể, giúp khả năng GPU của con chip này đạt mức ngang hàng với A14 Bionic có trong iPhone 12.
Dự kiến, Apple sẽ tổ chức một sự kiện công bố iPhone 13 (hoặc có thể là iPhone 12S) vào tháng 9 này. Điều này chắc chắn sẽ gây thêm một số áp lực lên Samsung trong việc giữ lời hứa đảm bảo hiệu năng tốt hơn.
Một tin tốt là sự kết hợp CPU và GPU mới này đã mang đến kết quả benchmark cao hơn Snapdragon 888 hiện tại của Qualcomm và chắc chắn tốt hơn Exynos 2100. Cũng có khả năng, nó sẽ vượt mặt SoC flagship tiếp theo của Qualcomm.
Hơn nữa, nguồn tin từ Ice Universe xác nhận, các điểm benchmark này dược thực hiện trên kiến trúc Cortex-A77, trong khi con chip flagship hiện tại của Samsung sử dụng Cortex-A78. Điều đó có nghĩa là các điểm benchmark rò rỉ hiện tại của Exynos 2200 chưa thể thể hiện hết sức mạnh cuối cùng của sự kết hợp CPU và GPU này.
Tại sao CPU và GPU tốt hơn lại là một vấn đề quan trọng?
Sự kết hợp CPU và GPU không chỉ giúp chiếc smartphone trở nên "nhanh hơn", mà còn mang đến rất nhiều lợi ích đáng kể:
- Chất lượng và hiệu năng camera được cải thiện cho chụp ảnh. Đối với video, nó sẽ tăng khả năng HDR, chống rung và hỗ trợ các cảm biến camera mới hơn, mạnh mẽ hơn. Điều này chủ yếu đến từ CPU.
- CPU và GPU mạnh hơn sẽ giúp điện thoại đảm bảo hiệu năng theo thời gian vì phần mềm mới có thể sẽ yêu cầu cao hơn.
- Cải thiện hiệu năng chơi game và duy trì tốc độ khung hình cao lâu hơn.
Đừng quên rằng, công việc chính của GPU chính là hỗ trợ CPU trong những tác vụ liên quan đến "hiển thị" nội dung. AMD là công ty cung cấp những bộ xử lý đồ họa hiệu năng cao cho gần như mọi loại thiết bị. Đáng chú ý nhất là những bộ xử lý Ryzen với đồ họa tích hợp, khiến Intel gặp nhiều rắc rối.
Kiến trúc RDNA, được cho là sẽ được đưa vào GPU Exynos tiếp theo, cũng xuất hiện trong nhiều thiết bị đòi hỏi sức mạnh đồ họa. Nhiều khả năng, các CPU Exynos của Samsung sẽ sử dụng kiến trúc RDNA 2, phiên bản mạnh mẽ hơn nhưng tiết kiệm điện hơn so với thế hệ ban đầu.
Kiến trúc RDNA của AMD cũng xuất hiện trong những thiết bị như Sony PlayStation 5, Xbox Series X/S và một số chiếc PC desktop. Dĩ nhiên, một GPU tương tự như vậy sẽ không xuất hiện trong flagship tiếp theo của Samsung, nhưng nó lại có cùng kiến trúc.
Hơn nữa, GPU AMD này (và có thể là các phiên bản trong tương lai) dự kiến cũng sẽ được đưa vào laptop và tablet. Chắc chắn, đó sẽ là một phiên bản GPU nâng cấp hơn do phải cạnh tranh với các bộ xử lý Apple Silicon, điển hình như Apple M1, vốn đã phá vỡ mọi kỉ lục về hiệu năng trên mỗi Watt.
Tổng kết
Giới công nghệ đang rất mong chờ được thấy những chiếc smartphone đầu tiên sở hữu đồ họa AMD riêng biệt. iPhone và GPU PowerVR của Apple đã thống trị thế giới smartphone trong một thời gian rất dài. Sự cạnh tranh luôn có lợi cho người dùng cuối. Chắc chắn rằng Samsung và AMD đang có lợi thế rất lớn để được được mức hiệu năng tương đương hoặc thậm chí là đánh bại iPhone.
Với GPU AMD mới, lời hứa về việc mở rộng hỗ trợ phần mềm, vốn đã rất kinh ngạc, có thể được kéo ra dài hơn. Điều đó giúp cho gã khổng lồ công nghệ đến từ Hàn Quốc thực sự có thể thách thức Apple đối với một số vấn đề cốt lõi mà nhà Táo đã thống trị trong thời gian dài.
Nguồn: https://vnreview.vn