Dell ngày nay đã khác Dell ngày xưa

22/05/2021 | 16:34 GMT+7 546


Dell ngày nay đã khác Dell ngày xưa 

Khi bạn nghe tới chữ Dell, thứ đầu tiên bạn nghĩ tới thường là laptop, hoặc có thể là một cái máy bàn mà bạn đã từng dùng qua. Và ngày xưa, Dell cũng đã từng mang tên Dell PC, nên chuyện này hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên thời thế bây giờ đã khác, Dell giờ được gọi là Dell Technology, và công ty đã chuyển mình để sống sót trong thời đại PC cạnh tranh khốc liệt như thế nào? 



Michael Dell vào những năm 1980 đang còn là một cậu sinh viên theo ngành y tại Đại học Texas. Khi đó Dell mở một dịch vụ nâng cấp máy tính ngay trong phòng 2713 tại ký túc xá. Sau đó, Dell đăng kí một giấy phép cung cấp để có thể tham gia đấu thầu cho một số dự án của bang Texas, và Dell đã thắng hợp đồng này nhờ việc không phải trả chi phí vận hành một cửa hàng máy tính truyền thống.


Tháng 1/1984, Dell tin rằng một nhà sản xuất PC có thể bán máy tính thẳng đến tay người tiêu dùng sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cực kì lớn thay vì phải bán qua các kênh bán lẻ. Lúc này, Dell đăng kí tên công ty mình là “PC's Limited” và hoạt động trong một căn hộ nhỏ. Công ty bán những bộ PC tùy biến với số tiền kiếm được vào khoảng $50.000 đến $80.000. Đây cũng là thời điểm Apple ra mắt chiếc Macintosh đầu tiên.

PC's Limited có thể xem như một công ty “nguồn mở”, vì họ làm việc với tất cả mọi đối tác phần cứng, phần mềm mà họ có thể tìm được. Bạn có thể cài Windows và Linux cho chiếc máy tính của mình, hoặc không cài gì cả. Bạn có thể chọn nhiều nhà cung cấp chip khác nhau cho con PC của mình… Bạn có thể tùy biến chiếc máy theo nhiều cách khác nhau, và điều đó giúp PC's Limited trở nên khác biệt.

Một điểm mới của PC's Limited đó là họ có cho đặt hàng qua điện thoại, nhờ vậy giảm chi phí hoạt động, dẫn đến giảm giá bán máy, và có thể giữ tồn kho ở mức thấp.

Dell tất nhiên không hoàn thành bằng bác sĩ của mình, ông đã nghỉ học để chăm lo cho doanh nghiệp của mình. Đến năm 1985, PC' Limited ra mắt chiếc máy tính đầu tiên của riêng mình - chiếc Turbo PC với giá chỉ dưới $800, trong khi một chiếc Macintosh khi đó đến $2500 lận. 3 năm sau, PC's Limited chuyển tên thành “Dell Computre Corp” và lên sàn chứng khoán với giá $8.5 / cổ phiếu. Lúc đó giá trị thị trường của công ty là 85 triệu USD. Đến năm 1992, Michael Dell trở thành CEO trẻ tuổi nhất trong danh sách các công ty Fortune 500.
Năm 1996, Dell bắt đầu bán máy tính qua website, động thái này giúp Dell chiếm ngôi đầu bảng về số máy bán ra trên toàn cầu vào năm 2001. Trước đó vị trí này thuộc về Compaq. Năm 2003, Dell đổi tên lần nữa thành Dell Inc. để họ mở rộng mảng kinh doanh, không chỉ PC mà còn TV, PDA, máy chiếu, máy chơi nhạc MP3, server…

Nhưng thành công của Dell ở mảng PC không kéo dài mãi mãi. Đến năm 2013, nhu cầu của người dùng với laptop và PC nói chung giảm nhanh nhờ sự phát triển của smartphone. Trên 70% doanh thu của Dell khi đó đến từ PC, thế nên để thay đổi, công ty phải thực hiện hàng loạt bước đi chiến lược. 

Ngay trong năm 2013, Dell không còn xuất hiện trên sàn chứng khoán, chuyển thành một công ty tư doanh (private). Việc này giúp Dell không phải báo cáo chi tiết cho các cổ đông và có nguy cơ bị bác bỏ các kế hoạch cải cách của mình. Dell có thể thực hiện bất kì cách gì mà công ty muốn để sống sót qua cơn hạn này.

Thực ra từ năm 2008, Dell đã bắt đầu chuyển mình thành một nhà cung cấp giải pháp, không chỉ cho người dùng mà cho cả doanh nghiệp. Dell muốn biến mình từ một công ty sản xuất PC trở thành một công ty cung cấp giải pháp cho mọi khách hàng.

Sau đó, Dell bắt đầu đầu tư cho dịch vụ và chăm sóc khách hàng, mua lại các công ty mà công ty thấy là quan trọng. Ví dụ, Dell mua lại công ty giải pháp lưu trữ EMC với giá 67 tỷ USD, số tiền lớn kinh khủng, cũng như nắm trong tay công ty ảo hóa VMWare. Những thứ này là để chuẩn bị cho việc phát triển các giải pháp cloud, data center. Đây là những thứ cần thiết để bước vào một thời đại cloud mới, và vẫn giúp công ty kiếm được tiền chứ không bị phụ thuộc vào mảng PC.
Năm 2018, Dell quay trở lại sàn chứng khoán với tên gọi Dell Technologies. Đây là giai đoạn Dell đã hoàn thành việc chuyển đổi từ một nhà sản xuất máy tính sang một công ty cung cấp giải pháp công nghệ từ đầu đến cuối, nhất là cho khách hàng doanh nghiệp. Hiện tại, doanh thu của Dell vào khoản 90 tỉ USD / năm.

Tuy nhiên công ty cũng có một khoản nợ cực lớn mà họ đã vay để tiến hành việc chuyển mình. 50 tỉ USD, đó là số nợ mà công ty có, một phần lớn là do thương vụ 67 tỷ USD với EMC. Và tính đến 2019, 47.7% doanh thu công ty vẫn đến từ Client Solution Group - bộ phận chịu trách nhiệm bán laptop, desktop, màn hình, phụ kiện và một vài sản phẩm phần mềm. 40,5% đến từ mảng hạ tầng bán server, hệ thống lưu trữ, mạng, giải pháp bảo mật… 10% đến từ VmWare, và phần còn lại là từ các mảng khác.

Việc cạnh tranh của Dell vẫn còn dài. Ở mảng phần cứng cho server, họ phải cạnh tranh với Cisco, Ericsson, Oracle… Ở phần mềm và giải pháp, công ty phải cạnh tranh với Microsoft, Salesforce, ở mảng thiết bị máy tính cá nhân, đối thủ là HP, Lenovo, Apple… Nhưng dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, Dell vẫn luôn có một nhà đầu tư luôn hỗ trợ cho công ty: Michael Dell.

Các bài viết khác