22/12/2021 | 21:48 GMT+7 402
James Vlahos, đồng sáng lập công ty HereAfter AI, tiết lộ ý tưởng sơ khai cho dự án Life Story Avatar. Sau khi biết cha mắc bệnh ung thư vào năm 2017, James Vlahos nảy ra ý tưởng thiết kế một công cụ giúp lưu giữ ký ức người thân. Đó không đơn giản chỉ là cuốn sổ nhật ký, lá thư, bức hình mà là một AI có khả năng lưu trữ tất cả dữ liệu, và truyền tải dưới dạng giọng nói.
Sau khi thiết kế thành công, anh tranh thủ ghi âm lại lời kể chuyện của cha mình. Khi ông ra đi, James Vlahos có thể phần nào vơi đi nỗi buồn nhờ trò chuyện với “Dadbot”, cái tên anh đặt cho chatbot của mình.
“Nó không thể thay thế cha tôi, nhưng đó là một cách thức sống động để lưu giữ ký ức về ông ấy”, anh nói.
Giờ đây, James đã đưa công nghệ Dadbot của mình lên HereAfter AI. Mọi người sẽ trò chuyện với AI người thân của họ thông qua giọng nói được tùy chỉnh trên loa, điện thoại di động hoặc máy tính. Đoạn ghi âm chứa đựng những câu chuyện, kỷ niệm, trò đùa, bài hát, thậm chí lời khuyên sẽ được phát lên.
HereAfter AI là một trong số những công ty khởi nghiệp hứa hẹn sự bất tử của kỹ thuật số thông qua chatbot, AI, và cả những bức ảnh không gian ba chiều. Hãng sử dụng công nghệ nhận diện giọng nói giống như của Alexa cho Life Story Avatar.
“Chắc chắn sẽ có một số người không thích điều này. Nhưng hãy suy nghĩ lại sau khi chính bản thân trải nghiệm Life Story Avatar, nó mang lại cảm giác ấm áp hơn là lạnh toát sống lưng, giống như việc trò chuyện với Siri khi cô đơn. Với phần mềm này, mỗi người dùng sẽ là một avatar kể lại câu chuyện cuộc đời”, James nói.
Một điều cần lưu ý, bạn phải đăng ký để sử dụng ứng dụng này. Sau khi khởi động app, một chatbot tự động xuất hiện và yêu cầu bạn trả lời một loạt câu hỏi về cuộc sống cá nhân. Sau đó bản thu âm câu trả lời sẽ được ghi lại, giúp truyền tải một cách rõ ràng nhất về tính cách người dùng. Bạn thậm chí có thể tải ảnh lên để minh họa lời nói.
Sau đó, những người dùng đã trả tiền để có quyền truy cập vào avatar của bản thân có thể đối thoại với chatbot đã tạo: Kỷ niệm sớm nhất của bạn là gì? Bạn đã gặp mẹ bạn như thế nào? Khoảng thời gian mà bạn cảm thấy thực sự tự hào là gì? Bất cứ câu hỏi nào mà bạn ghi âm trước đó đều sẽ có câu trả lời kèm theo.
Ghi lại câu chuyện quá khứ không mất phí nhưng để kết nối câu chuyện của bản thân với những thành viên khác tốn 49 USD/năm. Tải bản ghi âm xuống tốn 95 USD.
“HereAfter AI chỉ tính phí lưu trữ các bản ghi âm, dữ liệu bạn cung cấp. Chúng tôi không bao giờ bán chúng cho đơn vị mua dữ liệu, hay bất kỳ một công ty, tổ chức công nghệ nào”, vị CEO nói.
“Nghĩ về nó như một cuốn sổ tay giúp lưu trữ câu chuyện cuộc đời dưới dạng hội thoại, quả thực là một ý tưởng hấp dẫn phải không? Mặc dù công nghệ AI hội thoại chỉ mới ở giai đoạn sơ khai, chúng tôi vẫn nỗ lực để tạo ra nhiều sắc thái nhất có thể cho chatbot. Khi trải nghiệm Life Story Avatar, người dùng có thể nhận ra đó là mối quan hệ phản hồi hai chiều, không đơn thuần chỉ một chiều như một số công cụ lưu trữ bị động khác”.
Ngoài việc trò chuyện với người thân, công cụ này còn giúp sắp xếp ký ức. Theo bản beta cho thấy, những câu chuyện từ nhiều thế hệ sẽ được lập danh mục gọn gàng, giúp truy cập dễ dàng, thuận tiện hơn.
Amanda Lambros - chuyên gia phục hồi nỗi đau ở Úc - gọi ứng dụng này là một “sáng kiến tuyệt vời”, một thứ mà mọi người có thể tiếp cận khi đang đau buồn, hoặc muốn nhớ lại những đoạn ký ức quý báu.
Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo, đoạn ghi âm có thể chứa thông tin hoàn toàn mới với người nghe, một điều họ chưa bao giờ biết khi người kia còn sống. Điều này có thể gây ra hiểu lầm, khó chịu.
HereAfter AI không hứa hẹn sẽ giảm thiểu đau buồn hoặc thay thế bất cứ ai. Nhưng nó có thể kết nối người đã mất với người ở lại, hình thành ký ức mới với người cháu chưa bao giờ gặp mặt ông, bà. Hiện tại, nền tảng này đã có hàng trăm người dùng.
“Một trong những nỗi sợ nguyên thủy của con người là sợ bị quên lãng, sợ dấu vết của họ vĩnh viễn biến mất. HereAfter AI sẽ giúp bạn vơi bớt nỗi lo lắng đó thông qua Life Story Avatar”, James Vlahos tuyên bố.
Nguồn: CNET