19/11/2021 | 21:30 GMT+7 409
Nếu bạn sở hữu một chiếc máy tính chơi game, nhiều khả năng chúng có đến 2 card đồ họa bên trong, bao gồm 1 card đồ họa tích hợp trên bo mạch cùng 1 card đồ họa chuyên dụng, mạnh mẽ hơn nhiều.
Một số tựa game sử dụng nhầm card đồ họa tích hợp thay vì card đồ họa chuyên dụng. Do card đồ họa tích hợp không đủ mạnh để xử lý game, bạn sẽ nhận thấy tốc độ khung hình cũng như chất lượng đồ họa khi chơi game rất thấp. Thậm chí, đôi khi, game còn bị lỗi (crash), không thể chạy được.
May mắn là bạn có thể yêu cầu máy tính của mình sử dụng card đồ họa chuyên dụng cho các chương trình cũng như tựa game cụ thể theo cách thủ công.
Sự khác biệt chính giữa card đồ họa tính hợp và card đồ họa chuyên dụng là GPU tích hợp không có các bộ xử lý hoặc RAM riêng biệt. Thay vào đó, card đồ họa tích hợp sử dụng tài nguyên từ CPU và RAM máy tính. Thế nên, nếu có tổng RAM 8GB, với thiết lập 1GB được chia sẻ cho RAM đồ họa, mức RAM thực tế bạn có thể sử dụng sẽ giảm xuống còn 7GB. Những hạn chế này làm giảm sức mạnh xử lý của một card đồ họa tích hợp và khiến nó không phù hợp với việc chơi các tựa game đòi hỏi khắt khe.
Trong khi đó, 1 card đồ họa chuyên dụng đều đi kèm với bộ xử lý, RAM cùng hệ thống tản nhiệt của riêng mình. Điều này giúp cho card đồ họa chuyên dụng có khả năng chạy mượt mà các tựa game nặng đô, nhưng cũng làm cho chúng trở nên cồng kềnh và giá thành đắt đỏ hơn rất nhiều.
Hầu hết các bộ xử lý hiện đại đều đi kèm với 1 card đồ họa tích hợp trên bo mạch. Do đó, nếu có 1 card đồ họa chuyên dụng “sánh đôi” cùng 1 bộ xử lý hiện đại, thì nhiều khả năng, cỗ máy của bạn đang có 2 card đồ họa cùng hoạt động. Trong trường hợp này, phần mềm của máy tính sẽ quyết định thời điểm sử dụng từng card đồ họa để mang lại cho bạn hiệu năng tốt hơn hay thời lượng pin lâu hơn.
Đôi khi, phần mềm này bị nhầm lẫn và sử dụng sai card đồ họa cho 1 chương trình. Giờ đây, nếu chương trình đó là một tựa game nặng đô và máy tính của bạn cố gắng sử dụng đồ họa tích hợp để chạy và hiển thị nó, bạn sẽ nhận thấy một hiệu suất tồi tệ. Cách giải quyết cho các trường hợp như thế này thường là hướng dẫn phần mềm sử dụng đúng card đồ họa chuyên dụng cho tựa game đó theo cách thủ công.
Phần mềm chịu trách nhiệm chuyển đổi đồ họa sẽ phụ thuộc vào card đồ họa chuyên dụng bên trong máy tính của bạn. Nếu sử dụng card đồ họa NVIDIA, bạn sẽ phải sử dụng NVIDIA Control Panel, nhưng nếu là một GPU AMD, hãy dùng AMD Radeon Software. Trong bài viết này, chúng ta sẽ đề cập đến cả 2 phần mềm. Tuy nhiên, bước đầu tiên cần làm: xác định chương trình.
File thực thi hoặc .exe chạy game thường khá rõ ràng vì chúng tên hiển thị chủ yếu ở dạng têngame.exe, nhưng đôi khi không phải vậy. Phương pháp chính xác nhất để tìm ra tiến trình chịu trách nhiệm chạy game chính là thông qua Task Manager.
- Điều đầu tiên bạn cần làm là chạy game.
- Một khi game đã chạy hoàn toàn, hãy thu nhỏ nó xuống. Bạn có thể làm điều đó bằng tổ hợp phím Windows + D để quay về desktop.
- Nhấn tổ hợp phím Ctrl + Shift + Esc trên bàn phím để mở Task Manager. Hoặc nếu không, bạn có thể tìm kiếm Task Manager trong menu Start.
- Tìm tiến trình chạy game và nhấp chuột phải vào chúng.
- Từ menu, chọn Open file location.
- Một cửa sổ trong Windows Explorer sẽ mở ra, hiển thị cho bạn thấy vị trí của file thực thi. Đây là file mà bạn cần thực hiện hướng dẫn để sử dụng card đồ họa chuyên dụng.
Giờ đây, khi đã biết file đó là gì và ở đâu, bạn có thể thêm nó vào bảng điều khiển của card đồ họa và cài đặt để chúng tận dụng card đồ họa chuyên dụng mọi lúc. Như đã đề cập từ trước, với card đồ họa NVIDIA, chúng ta sẽ thực hiện điều đó thông qua NVIDIA Control Panel.
- Nhấp chuột phải vào desktop, chọn đến NVIDIA Control Panel. Nếu đang sử dụng Windows 11, bạn cần chọn vào Show more options sau đó nhấp vào NVIDIA Control Panel.
- Bên trong NVIDIA Control Panel, hãy nhìn vào khu vực bên trái, sau đó chọn Manage 3D settings.
- Nhấp vào tab Program Settings.
- Dưới mục Select a program to customize, hãy chọn Add. Thao tác này sẽ mở một danh sách hiển thị giới hạn các chương trình của bạn.
- Trong cửa sổ Add, hãy chọn Browse, sau đó tìm đến vị trí mà bạn đã tìm thấy từ phần trước và chọn đúng file game.
- Nhấp Open, tựa game của bạn sẽ hiển thị trong danh sách chương trình.
- Dưới phần Select the preferred graphics processor for this program, hãy chọn High-performance NVIDIA processor.
- Cuối cùng, hãy nhấp nút Apply nằm ở góc dưới bên phải.
Từ giờ, tựa game của bạn sẽ tận dụng card đồ họa chuyên dụng nhằm mang đến bạn hiệu năng tốt nhất có thể.
Nếu sử dụng card đồ họa AMD, bạn sẽ cần phải thêm game trong AMD Radeon Software và sau đó thiết lập thành profile Gaming.
- Nhấp chuột phải vào desktop, chọn đến AMD Radeon Software. Nếu đang sử dụng Windows 11, bạn cần chọn vào Show more options sau đó nhấp vào AMD Radeon Software.
- Bên trong AMD Radeon Software, hãy nhấp vào tab Gaming nằm ở trên đầu.
- Chọn vào dấu 3 chấm nằm ở bên phải, sau đó nhấp vào Add A Game.
- Chọn gile game và nhấp Open. Thao tác này sẽ thêm game và đưa bạn đến trang cài đặt.
- Dưới mục Graphics, hãy nhấp vào Graphics Profile và chọn Gaming.
Vậy là xong. Khi chạy game trong lần tới, card đồ họa AMD sẽ xử lý mọi công việc khó nhằn và giúp bạn đạt được tốc độ khung hình fps cao hơn.
Dù đồ họa tích hợp đã được cải thiện rất nhiều trong những năm gần đây khi một số tùy chọn có thể chạy được các tựa game đòi hỏi khắt khe, thế nhưng, chúng vẫn không thể nhanh và mạnh mẽ bằng những card đồ họa chuyên dụng. Với việc chuyển sang card đồ họa chuyên dụng, bạn sẽ nhận thấy các tựa game của mình khởi chạy và hoạt động mượt mà hơn.
Tuy nhiên, nếu ngay cả các card đồ họa cũng không thể xử lý những tựa game của bạn một cách chính xác nhất, có lẽ đã đến lúc bạn cần nâng cấp GPU hoặc thậm chí là cả thiết bị.
Nguồn: Make Use Of